Sửa đổi luật Sở hữu trí tuệ: Thúc đẩy thương mại hóa tài sản trí tuệ

Kinh tế
Sửa đổi luật Sở hữu trí tuệ: Thúc đẩy thương mại hóa tài sản trí tuệ

Dự thảo sửa luật Sở hữu trí tuệ lần này được kỳ vọng như “khoán 10” với các tài sản trí tuệ hình thành từ đề tài khoa học do ngân sách nhà nước tài trợ, tạo động lực cho các cơ quan chủ trì thúc đẩy thương mại hóa tài sản trí tuệ.

Sáng 28/3, tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, dự thảo đã sửa đổi, bổ sung 103 điều của Luật Sở hữu trí tuệ (tăng 10 điều so với dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2), có 12 điều chỉ sửa đổi, bổ sung về kỹ thuật, bãi bỏ một số quy định tại 5 điều.

Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành quy định giao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí… là kết quả của nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách Nhà nước cho tổ chức chủ trì; đồng thời đề nghị mở rộng giao quyền đăng ký đối với giống cây trồng và một số đối tượng của quyền tác giả (ví dụ như chương trình máy tính); cần có cơ chế phân chia hợp lý lợi ích giữa Nhà nước, tổ chức chủ trì và tác giả.

Trên cơ sở tiếp thu ý kiến đa số đại biểu Quốc hội, nội dung này đã được chỉnh lý thêm:

Đối với phần sở hữu công nghiệp và giống cây trồng, dự thảo luật đã quy định việc giao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng được chọn tạo, phát triển… là kết quả của nhiệm vụ KHCN sử dụng ngân sách Nhà nước một cách tự động và không bồi hoàn cho tổ chức chủ trì, đồng thời xác định cơ chế phân chia hợp lý lợi ích giữa Nhà nước, tổ chức chủ trì và tác giả.

Để đảm bảo thông lệ quốc tế và thực tiễn, dự thảo luật không mở rộng giao quyền đăng ký với một số đối tượng của quyền tác giả - đối với chương trình, phần mềm máy tính gắn liền với các thiết bị máy móc được bảo hộ thiết bị dưới dạng sáng chế, thiết kế bố trí để vận hành thiết bị, máy móc đó. Có thể áp dụng cơ chế chuyển giao quyền sở hữu đối với sáng chế, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ nghiên cứu khoa học sử dụng ngân sách Nhà nước.

Đáng chú ý, để bảo đảm kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng các kết quả nghiên cứu KH&CN có sử dụng ngân sách nhà nước, dự thảo Luật đã bổ sung quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng là kết quả của nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước chỉ được chuyển nhượng cho tổ chức được thành lập theo pháp luật Việt Nam, cá nhân là công dân Việt Nam và thường trú tại Việt Nam.

Ông Hoàng Thanh Tùng cho biết, việc quy định “khu trú” vào chuyển nhượng cho cá nhân và tổ chức của Việt Nam như dự thảo sửa đổi lần này nhằm đạt các mục tiêu:

Các sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí và giống cây trồng được tạo ra từ ngân sách nhà nước thì trước tiên các đối tượng này phải được khai thác để phục vụ lợi ích của đất nước, thực hiện các mục tiêu, chính sách của quốc gia và việc khai thác trong nước để người dân có thể tiếp cận, sử dụng;

Thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa doanh nghiệp trong nước và các tổ chức chủ trì để thương mại hóa, tạo ra nhiều giá trị kinh tế và cũng như các giá trị khác như gia tăng số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp và cơ hội việc làm;

Đối với sáng chế mang hàm lượng công nghệ cao, có giá trị quan trọng thì việc “giữ lại” sáng chế ở trong nước còn mang ý nghĩa thu hút vốn đầu tư nước ngoài để hợp tác khai thác hay nghiên cứu mở rộng;

Đồng thời, việc hạn chế chuyển nhượng không tác động tiêu cực đến quá trình thương mại hóa các sáng chế, kiểu dáng công nghiệp và thiết kế bố trí, do trong trường hợp này thì chủ văn bằng bảo hộ vẫn có thể khai thác dưới hình thức chuyển giao quyền sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng.

Việc sửa đổi quy định về giao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí… là kết quả của nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách Nhà nước cho tổ chức chủ trì đã đáp ứng kỳ vọng của các cơ quan nghiên cứu khoa học định hướng ứng dụng trong nước từ nhiều năm nay. Đây là điều mà GS.TS Lê Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội phát biểu nhiều lần, với kỳ vọng trao quyền sử dụng sáng chế này như một cơ chế “khoán 10”, mang lại cách tiếp cận mới trong quản lý và sử dụng tài sản trí tuệ. “Chúng tôi rất mừng vì Bộ KH&CN đã đưa ra dự thảo sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ. Vì vậy chúng tôi hy vọng Quốc hội sẽ ủng hộ và làm rành mạch về cơ chế sở hữu trí tuệ với các đề tài KH&CN hình thành từ nhà nước tài trợ. Điều này rất quan trọng, vì hằng năm chúng tôi có nhiều tài sản trí tuệ nhưng hầu như không khai thác được nhiều bởi điều mình thấy có thể áp dụng cho doanh nghiệp thành công thì lại vướng vào bài toán phân chia tài sản. Nếu cơ chế tài chính không rõ, khi nghiên cứu và chuyển thành công thì lại phát sinh vấn đề tranh chấp”, GS.TS Lê Quân nhấn mạnh tại cuộc họp tổng kết Bộ KH&CN vào ngày 31/12/2021.

Theo TS. Trần Kiên, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, việc cởi mở các quy định về sử dụng sáng chế hình thành từ ngân sách đã là một bước tiến rất lớn so với việc cơ chế chồng chéo, không rõ ràng trước đây, vốn không tạo động lực cho các cơ quan chủ trì và tác giả sáng chế thúc đẩy thương mại hóa khiến nhiều năm các sáng chế này chỉ “nằm trên nóc tủ”. Tuy nhiên trên thực tế, việc xác định rõ quyền sở hữu trí tuệ chỉ là một tiền đề thúc đẩy thương mại hóa, khai thác sản phẩm khoa học công nghệ. Việc thúc đẩy chuyển giao công nghệ, thương mại hóa sáng chế hình thành từ ngân sách nhà nước còn phụ vào nhiều điều kiện, quy định khác như các quy định về đầu tư công, ngân sách nhà nước, quyền và nghĩa vụ của các cơ quan, đơn vị hành chính, tổ chức sự nghiệp công lập, trách nhiệm pháp lý khi triển khai cũng như các yếu tố của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong nước, chất lượng các nghiên cứu, sáng chế, khả năng tiếp tục phát triển cũng như hấp thụ công nghệ…

Việc sửa đổi quy định này sẽ không chỉ dừng lại trong phạm vi của Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi này mà cũng sẽ dẫn tới yêu cầu sửa đổi, bổ sung một số điều có liên quan của Luật Giá, Luật Hải quan, Luật KH&CN, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật đầu tư công; Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và cả pháp luật hình sự, pháp luật công chức, viên chức, pháp luật lao động nữa. Đây mới là các nút thắt lớn cản trở tư duy và hành động dám nghĩ dám làm trong việc thương mại hóa, khai thác sản phẩm khoa học công nghệ của các đơn vị hành chính, sự nghiệp công lập ở Việt Nam.

Tiệm cận với chuẩn mực quốc tế

Lần sửa đổi quy định về sáng chế sử dụng ngân sách nhà nước này cũng là một bước tiệm cận hơn tới các quy định tiến bộ của nhiều nước tiên tiến để thúc đẩy thương mại hóa tài sản trí tuệ. Một ví dụ điển hình là Luật Bay-Dole của Hoa Kỳ, theo bà Elizabeth Ritter, chuyên gia của tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) nhắc đi nhắc lại trong phiên đầu tiên của Hội thảo “Quản trị tài sản trí tuệ và thương mại hóa công nghệ dành cho các viện/trường thành viên trong khuôn khổ dự án Môi trường sở hữu trí tuệ kiến tạo (EIE)” do WIPO và Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức vào năm 2019. Kể từ khi có luật Bay-Dole cho phép tất cả các viện, trường công lập sở hữu sáng chế từ các nghiên cứu được nhà nước cấp kinh phí, thành lập trung tâm chuyển giao công nghệ (TTO) thì hoạt động quản trị tài sản trí tuệ, chuyển giao kết quả nghiên cứu, sáng chế trong các trường đã thay đổi nhanh chóng. Ví dụ, chỉ trong khảo sát với quy mô 95 cơ sở nghiên cứu, giáo dục công 2001, Hiệp hội các nhà quản lý công nghệ đại học Hoa Kỳ (AUTM) ước tính trong năm đó có ít nhất 358 sản phẩm mới đã được giới thiệu ra thị trường theo các li xăng được cấp từ các cơ sở nghiên cứu giáo dục công.

Các khảo sát cũng cho thấy, số lượng đơn đăng ký bằng sáng chế của các trường đại học Hoa Kỳ đã tăng 238% trong giai đoạn 1991–2000, và số lượng và số tiền từ các hợp đồng chuyển giao bằng sáng chế lần lượt tăng 161% và 520%. thành tựu của các trường đại học đã tăng cường đáng kể sự liên kết giữa giới đại học và khối công nghiệp, mang lại sức sống mới cho đổi mới KH&CN cũng như phát triển công nghiệp của Hoa Kỳ, và giải quyết lợi thế so sánh đang giảm của Hoa Kỳ so với Nhật Bản trong lĩnh vực sản xuất. Đạo luật này được ca ngợi là “bộ luật truyền cảm hứng nhất được ban hành ở Mỹ trong nửa thế kỷ qua”, và trở thành tấm gương cho nhiều quốc gia trên thế giới học hỏi1.

Gần với Việt Nam, Trung Quốc cũng đã học hỏi Luật Bay-Dole và cho phép các trường đại học, cơ sở nghiên cứu sử dụng bằng sáng chế hình thành từ nghiên cứu do chính phủ tài trợ, trao cho họ quyền ra quyết định độc lập đối với bằng sáng chế và có cơ chế chia sẻ lợi nhuận từ bằng sáng chế với các nhà nghiên cứu.

Tiến trình tương tự cũng xảy ra tại các nước có điều kiện kinh tế gần gũi hơn với Việt Nam như Brazil. Theo bà Elizabeth Ritter, ở Brazil, nơi bà bắt đầu hỗ trợ các trường xây dựng các trung tâm chuyển giao công nghệ thì trong những năm 2000 chỉ có duy nhất 4 trường quan tâm đến tài sản trí tuệ. Cú hích thông qua Luật về đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ vào năm 2006, có điều khoản yêu cầu các trường đại học chú trọng chuyển giao kết quả nghiên cứu và thành lập các TTO. Sau 10 năm, từ chỗ chỉ có 36 trường có TTO nay đã có 400 trường thành lập TTO, chỉ có 100 trường xin nộp đơn bảo hộ sở hữu trí tuệ nay lên tới 187 trường nộp đơn xin bảo hộ sở hữu trí tuệ, số đơn xin cấp sáng chế của các trường đại học tăng từ 1078 lên 2256 đơn.

Thu Quỳnh

www.khoahocphattrien.vn